Tháng bẩy, rào rạt tiếng mưa rơi, chơi vơi những đêm không có bóng trăng soi qua bụi trúc, dân gian có nhiều chuyện để kể, chuyện của mối tình ngang trái Ngưu Lang- Chức Nữ, chuyện của một mùa Lễ vu lan …mùa của báo hiếu mẹ cha.
……………………………………
Ngày xưa, cứ đến non nửa tháng bẩy âm lịch, khi con trăng còn như lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên nhánh cong nhánh gầy của cây đa cổ thụ đầu làng, nước ngập lấp lóa lưng lửng bụi chuối sau nhà, cũng là lúc bà tôi bắt đầu chuẩn bị một mùa cúng lễ vu lan. .
Năm cúng chay, năm cúng mặn, nhưng trong mân cơm cúng của bà không bao giờ thiếu vài chén cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai, sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ, vài bộ quần áo xanh đỏ nho nhỏ tượng trưng bằng giấy và một ít đồ vàng mã. Khi còn nhỏ, tôi thường được bà sai đi rửa tay chân mặt mũi cho thật sạch rồi giúp bà gỡ áo quần vàng mã trải ra mâm sếp thành hình tròn đều đặn và đẹp mắt. Tôi thích thú tỉ mẩn gỡ từng thứ vàng mã xanh đỏ như chơi một trò chơi con nít và thắc mắc ,những đồ vàng mã này người âm có nhận được không ạ? Bà bảo, không nhận được đâu cháu à, vì nếu thật sự có người âm thì họ cũng không thể tiêu tiền này được, người sống vẫn đốt bởi họ đốt cho tâm an, đốt theo tín ngưỡng dân gian.
Sau khi bầy biện đầy đủ các đồ cúng ra mâm , bà thắp hương và lầm rầm khấn bái. Lũ trẻ con chúng tôi ngồi xổm bên cạnh chống tay vào cằm đợi hết hương để được bà chia cho bánh khoai, bỏng ngô thơm nức mũi. Trong lúc đợi hết tuần hương bà vừa tết lại đôi bím tóc lòa xòa của tôi vừa kể “ Ngày xửa ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Câu truyện về lòng hiếu thảo của Mục Liên năm nào bà cũng kể, nhưng năm nào tôi cũng thấy nó hấp dẫn một cách lạ kỳ. Nó thấm đẫm giá trị nhân văn và nuôi dưỡng tâm hồn tôi cho đến tận bây giờ.
Tục cúng lễ vu lan được làm vào đúng ngày 15/7 âm lịch, chỉ cúng trong một ngày bởi bà bảo ngày đó là ngày diêm vương mở cửa ngục thả các linh hồn được về với cõi dương gian nên mới có câu “ Ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”.
Hạ Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét