Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Sau cơn địa chấn.

23:12 23 thg 1 2011
                                 
Tôi xem “Đường sơn đại địa chấn” vào một buổi tối gió mùa đông đang rít lên cong cớn và làm tê liệt mọi thứ. Trong cái buốt lạnh đông cứng ấy tôi vẫn nghe trái tim mình dồn dập ngõ từng nhịp trong lồng ngực, từng đợt sóng rung cảm run lên tràn ngập trái tim tôi, chạy lên não tạo nên những tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng và trào ra những giọt nước mắt trong veo xối xả. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được xem một bộ phim lấy đi nhiều nước mắt của mình đến thế.

Đường sơn đại địa chấn( Affter shock) nói về một thảm họa động đất trong quá khứ của người dân Trung Quốc. Bộ phim không có chuyện tình bất hủ, không có những cảnh quay lãng mạn, cũng không có những kĩ xảo hoành tráng như những tác phẩm điện ảnh của Hollywood. Bộ phim nói về những di chấn còn đọng lại, những cảm xúc của người sống sót sau cơn địa chấn, nó như vết sẹo âm ỉ cứ kéo dài mãi mãi.Tình cảm gia đình, tình mẹ tình cha cho dù là máu mủ hay không được đan chéo nhau đầy cảm xúc.

Nguyên Ni người phụ nữ đang có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và hai đứa con nhỏ, một trai một gái là Phương Đăng và Phương Đạt. Rồi bỗng nhiên chị chứng kiến người chồng chết ngay trước mặt mình và hai đứa con nhỏ bị kẹt trong cơn động đất. Khi buộc phải lựa chọn chỉ được cứu một đứa chị đã đau đớn lựa chọn đứa con trai mà không biết rằng đứa con gái nhỏ của mình đang nằm dưới lớp bê tông cố lấy hòn đá gõ gõ kêu mẹ đến cứu đã nghe được câu lựa chọn ấy của mẹ. Cô bé buông hòn đá và một giọt nước mắt tủi hờn lăn dài trên má. Sau đó Phương Đăng được cứu và được một gia đình tốt bụng nhận về nuôi. Được sống trong sự đủ đầy đùm bọc cả về vật chất lẫn tinh thần ,cô lớn lên với vẻ bề ngoài mạnh mẽ nhưng lại mang nặng một nỗi đau bị mẹ bỏ rơi, khiến tâm hồn cô luôn cảm thấy lạc lõng.

Người mẹ sau khi tưởng con gái mình đã chết đã ở lại Đường Sơn nuôi cậu con trai với nỗi day dứt dầy vò khôn nguôi, cách người mẹ ấy đốt vàng mã và hướng dẫn linh hồn hai bố con tìm về nhà mới, mới thấy hết được nỗi dầy vò thương nhớ của chị. Cách chị đứng lặng với khuôn mặt đau khổ tột cùng khi đưa tiễn đứa con trai còn sót lại về ở với bà nội, rồi người em chồng nói “ Mẹ lấy đi đứa con của chị ấy vào lúc này khác gì mẹ giết chị ấy” Chiếc xe khách đã dừng lại để trả đứa con trai nguồn sống duy nhất của chị về với mẹ. Cảnh quay đã chạm đến đáy cảm xúc của người xem.

Sau 32 năm, hơn ba thập kỉ đã trôi qua Phương Đăng mang nặng sự buồn tủi, đau đớn trong tâm hồn, để cô nhất định không chịu đi tìm mẹ và em trai bởi cô luôn nghĩ “ Nếu không cần thì đi tìm làm gì”. Còn người mẹ mang nặng nỗi day dứt, không bao giờ chịu sống thanh thản, vui vẻ. Cuối cùng họ đã gặp lại nhau, mọi tình cảm vỡ òa khi đứa em trai cạy nắp nấm mồ của cô lên và thấy những chồng sách mà năm nào mẹ cô mua cho em trai thì đều mua cho cô một bộ và đặt vào trong mộ, cô đã hiểu được tấm lòng người mẹ, hiểu được những day dứt khổ đau mà mẹ cô đã trải qua trong ba thập kỉ qua “ Con xin lỗi mẹ, con đã hành hạ mẹ trong từng ấy năm, làm sao mẹ có thể chịu được cơ chứ….”.

Bộ phim khép lại tôi không thể tìm nổi một tính từ để diễn tả cảm xúc của mình lúc đó. Nhưng tôi nhận thấy rằng cái chết không đáng sợ, sợ là phải sống mà mà có quá nhiều day dứt.

Bộ phim rất đáng để xem cho dù những người trẻ sẽ chưa hẳn đã thích bởi bộ phim không có những tài tử điện ảnh đẹp trai, những cô đào gợi cảm, hay những tình huống lãng mạn. Nhưng nó lại đầy ắp tình người, tình cảm gia đình, tình bố mẹ anh em và nó đã dẫn dắt người xem đi cùng với cảm xúc, tận cùng nỗi đau của nhận vật.


Hạ Ly.

Còn đây là ảnh mẹ con nhà Bống sau những ngày đau ốm, nghỉ đông. Chiều nay tung tăng trên phố ngắm hoa đào nở ở Vincom, vì rét quá nên mẹ con nhà cháu chả lên được Nhật Tân chụp ảnh hoa đào. Nắng ơi về đi nhé, để sắc xuân bừng nở!
Photobucket

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét